VI/Prabhupada 1069 - Tôn giáo biểu lộ ý tưởng của tín ngưỡng. Tín ngưỡng thì có thể bị thay đổi – Sanatana-dharma không thể nào



660219-20 - Lecture BG Introduction - New York

Như vậy, Đấng Tối Cao là sanātana. Đấng Tối Cao và nơi ở siêu tuyệt của Ngài là sanātana cũng như chúng sinh và sự hợp nhất của chúng sinh với Đấng Tối Cao ở vương quốc sanātana là sự toàn thiện của kiếp người. Đấng Tối Cao vô cùng từ tâm với chúng sinh bởi chúng là con cái của Ngài. Đức Thượng Đế phán trong Bhagavad-gītā: sarva-yoniṣu kaunteya sambhavanti mūrtayo yāḥ (BG 14.4). "Ta là cha của muôn loài." Có rất nhiều loài giống tương ứng với các loại karma và Đấng Tối Cao tuyên bố rằng Ngài là cha của tất cả mọi loài. Bởi thế cho nên Ngài giáng thế để giúp tất cả những linh hồn ước định sa ngã này sửa đổi, để gọi chúng trở về cõi vĩnh hằng, nơi các chúng sinh vĩnh cửu có thể có lại vị trí sanātana vĩnh cửu của mình trong tình thâm giao vĩnh cửu với Đức Thượng Đế. Đấng Tối Cao thân chinh giáng sinh trong các hiện thân khác nhau hay phái những người hầu tin cậy của Mình là các con trai hay bạn thân của Ngài hay các vị ācārya tới để cứu giúp những linh hồn ước định.

Vì thế sanātana-dharma không phải là quy trình mang tính chất giáo phái. Nó là nghĩa vụ muôn đời của các chúng sinh vĩnh cửu trong mối quan hệ qua lại với Đấng Tối Cao vĩnh cửu. Sanātana-dharma có nghĩa là sự vĩnh cửu. Đức Śrīpāda Rāmānujācārya đã giải thích từ sanātana là "cái chẳng có cả khởi đầu lẫn kết thúc"; do đó, khi chúng ta nói về sanātana-dharma, chúng ta phải dựa trên uy tín của Đức Śrīpāda Rāmānujācārya mà công nhận đúng là nó không có cả khởi đầu lẫn kết thúc. Từ "tôn giáo" khác chút ít về ý nghĩa so với từ sanātana-dharma. Tôn giáo biểu lộ ý tưởng của tín ngưỡng mà tín ngưỡng thì có thể bị thay đổi. Có thể có tín ngưỡng ở giai đoạn nào đó rồi có thể thay đổi tín ngưỡng này và tiếp nhận tín ngưỡng khác, nhưng từ sanātana-dharma liên quan tới hoạt động không thể bị đổi thay. Ví dụ như thể lỏng là tính chất gắn liền với nước cũng như nhiệt năng là tính chất không thể tách rời của lửa. Tương tự như vậy, chức năng vĩnh viễn của chúng sinh không thể tách biệt với chúng sinh. Không thể tách biệt được. Sanātana-dharma là phần vĩnh cửu không thể thiếu của chúng sinh. Vì thế khi chúng ta nó về sanātana-dharma, chúng ta cần tin tưởng vào uy tín của Đức Śrīpāda Rāmānujācārya mà coi là đương nhiên nó không có cả khởi lẫn tàn. Cái không có cả khởi lẫn tàn sẽ không thể bị gò bó bởi bất cứ khuôn khổ nào. Thế nhưng môn đồ của một số giáo phái có thể sai lầm cho rằng sanātana-dharma cũng bị hạn chế, nhưng nếu chúng ta đi sâu vào bản chất của sự vật và xem xét nó với quan điểm khoa học hiện đại thì chúng ta có thể thấy là sanātana-dharma liên quan tới tất cả mọi người trên thế giới, hơn thế nữa, nó can hệ tới mọi chúng sinh trong vũ trụ. Tôn giáo không có liên quan tới sanātana có thể có khởi điểm trong biên niên sử nhân loại, còn sanātana-dharma thì không có khởi điểm trong lịch sử bởi vì nó tồn tại vĩnh cửu với chúng sinh. Còn về phần chúng sinh thì các cuốn śāstra đầy uy tín khẳng định rằng chúng không có cả sinh lẫn tử. Bhagavad-gītā khẳng định rằng chúng sinh không sinh, không diệt. Nó vĩnh cửu, vững bền và tiếp tục sống sau khi thân xác vật chất nhất thời của nó bị phá hủy.