VI/Prabhupada 1073 - Chừng nào chúng ta chưa vứt bỏ thiên hướng thống trị thiên nhiên vật chất



660219-20 - Lecture BG Introduction - New York

Chương mười lăm của Bhagavad-gītā có mô tả bức tranh thực sự về thế giới vật chất. Ở đó nói:

ūrdhva-mūlam adhaḥ-śākham
aśvatthaṁ prāhur avyayam
chandāṁsi yasya parṇāni
yas taṁ veda sa veda-vit
(BG 15.1)

Trong chương mười lăm của Bhagavad-gītā thế giới vật chất được tả như một cái cây có rễ mọc chồi lên trên, ūrdhva-mūlam, còn cành thì đâm xuống dưới. Chúng ta có bao giờ thấy một cái cây có rễ mọc chồi lên trên không? Nhưng chúng ta từng thấy cái cây có rễ mọc chổng ngược này: nếu đứng bên bờ sông hay bên bờ hồ nào đó, chúng ta có thể thấy hình ảnh phản chiếu của cái cây ở dưới nước có rễ hướng lên trên, cành đâm xuống dưới. Tương tự như vậy, thế giới vật chất là hình ảnh phản chiếu của thế giới tinh thần. Thế giới vật chất chỉ là cái bóng của thế giới có thực. Như vậy thế giới vật chất được gọi là "cái bóng". Trong cái bóng không có cái gì là thực hay một thực thể nào cả, nhưng từ nó chúng ta có thể biết rằng ở đâu đấy có cái có thực đó, có cái thực thể đó. Trên sa mạc không có nước, nhưng nếu chúng ta thấy ảo ảnh nước thì tức là ở đâu đó có nước. Ở thế giới vật chất không có nước, không có hạnh phúc, nhưng thứ nước thực sự của hạnh phúc có thực nằm ở thế giới tinh thần. Đích thân Đấng Tối Cao chỉ cho chúng ta cách vào thế giới tinh thần:

nirmāna-mohā jita-saṅga-doṣā
adhyātma-nityā vinivṛtta-kāmāḥ
dvandvair vimuktāḥ sukha-duḥkha-saṁjñair
gacchanty amūḍhāḥ padam avyayaṁ tat
(BG 15.5)

Chỉ có người là nirmāna-mohā mới có thể tới được padam avyayam hay vương quốc vĩnh cửu này. Nirmāna-mohā. Nirmāna có nghĩa là chúng ta thích chức tước. Điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta thích chức tước. Người này muốn trở thành "ông", người kia muốn trở thành "ngài", những người khác muốn thành tổng thống hay người giàu có hay thành vua và v.v... Chừng nào chúng ta còn bị ràng buộc với những tước vị đó thì chúng ta còn bị ràng buộc với thể xác bởi vì chức tước chỉ liên quan tới thể xác. Nhưng chúng ta không phải là thể xác và hiểu được điều đó là cấp độ đầu tiên của sự giác ngộ tinh thần. Như vậy, chúng ta không được bị ràng buộc với những chức tước. Và jita-saṅga-doṣā, saṅga-doṣā. Chúng ta đang chịu ảnh hưởng của ba thuộc tính thiên nhiên vật chất, nhưng chúng ta cần thoát khỏi nó bằng sự phục vụ tận tụy cho Đấng Tối Cao. Nếu chúng ta không gắn bó với sự phục vụ tận tụy cho Đấng Tối Cao thì chúng ta sẽ bị trói buộc với ba thuộc tính thiên nhiên vật chất. Cho nên Đấng Tối Cao phán: vinivṛtta-kāmāḥ. Chức tước và mối ràng buộc nẩy sinh do lòng tham và ham muốn của chúng ta, do ước vọng thống trị thiên nhiên vật chất của chúng ta. Chừng nào chúng ta chưa vứt bỏ thiên hướng thống trị thiên nhiên vật chất, chúng ta chưa có được khả năng trở về vương quốc của Đấng Tối Cao, xứ sanātana-dhāma. Dvandvair vimuktāḥ sukha-duḥkha-saṁjñair gacchanty amūḍhāḥ, amūḍhāḥ padam avyayaṁ tat (BG 15.5). Vương quốc vĩnh cửu này không thể nào bị hủy diệt được. Chỉ có người không ham mê (amūḍhāḥ) khoái lạc vật chất ngụy tạo, người kiên định trong sự nghiệp phụng sự Đấng Tối Cao mới có thể tiếp cận được với vương quốc vĩnh cửu muôn đời bất diệt này. Người đó có thể tiến đến vương quốc tối cao một cách đễ dàng. Vương quốc vĩnh cửu không cần mặt trời, mặt trăng hay điện lực. Điều đó chỉ nhìn thoáng qua ý tưởng của vương quốc vĩnh cửu.